Làm thế nào để ngôi nhà không là một khối bê tông khô cứng? Trả lời được câu hỏi này đòi hỏi người thiết kế hay gia chủ phải tập trung sưu tầm các vật dụng nội thất mới như giấy dán tường, trang trí màn cửa, sofa…

Có thể nói màn cửa là sản phẩm góp phần không nhỏ trong việc trang trí cho ngôi nhà trở nên mềm mại hơn, nổi bật hơn nhờ màu sắc, hoa văn đa dạng, chất liệu phong phú. Tất cả đều tạo sự dễ dàng cho các nhà thiết kế cũng như gia chủ khi đưa vào sử dụng cho không gian nội thất khác nhau từ cổ điển tới hiện đại, tối giản hoặc kết hợp.

Mành, rèm cửa đóng vai trò khá quan trọng trong trang trí nội thất. Việc lựa chọn kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, họa tiết ảnh hưởng rất nhiều đến không gian, vẻ đẹp của căn phòng và các loại đồ gỗ. Chọn rèm hợp lý sẽ mang lại hiệu quả cao.

Những loại vải đắt tiền như lụa, taffeta, satanh, gấm thêu... thường thích hợp với những căn phòng đòi hỏi lịch sự, sang trọng, trong khi chất liệu cotton hoặc len, dạ lại phù hợp với không gian ấm cúng, thân mật, tạo cảm giác thư giãn, giải trí. Rèm cửa mỏng, nhẹ đi với những ô cửa sổ nhìn ra cảnh thiên nhiên và căn phòng cần nhiều ánh sáng tự nhiên. Còn loại thô, dày dành cho những không gian riêng tư, tránh ánh nắng mặt trời hay che khuất khung cảnh xấu xí, bừa bộn bên ngoài. Loại rèm cửa mỏng thường được làm từ các chất liệu cotton, lanh, lụa hay ren móc có màu trắng, ngà hoặc kem.

Màu sắc rèm cửa là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiệu quả trang trí của cả phòng. Nó có thể tạo cảm giác thay đổi kích thước, diện tích thực tế. Gam màu tối làm căn phòng hẹp lại trong khi gam màu sáng giúp căn phòng thoáng rộng hơn. Màu ghi xám tạo chiều sâu, đỏ tạo sự ấm áp, màu lam gợi sự mát mẻ, vàng tạo sự vui tươi còn xanh lá cây mang lại cảm giác thư giãn nhẹ nhàng.

Kiểu dài sát sàn.

Đường kẻ sọc và những họa tiết sọc thẳng tăng chiều cao cho phòng. Đường kẻ ngang làm không gian thấp xuống và rộng thêm. Những họa tiết nhỏ trên rèm cửa làm căn phòng sâu rộng hơn, còn hoa văn lớn in đậm tạo cảm giác ngược lại. Nếu trong cùng một không gian có nhiều rèm cửa, bạn nên sử dụng màu sắc, họa tiết tương đồng nhau. Ngoài những họa tiết, đường kẻ in sẵn trên vải, bạn có thể trang trí thêm bằng cách đính những miếng vải chất liệu khác lên rèm. Bạn nên chú ý sự đồng điệu về chất liệu giữa sa tanh và nhung, vải phin với thêu ren, len với cotton, vải hoa với ren...

Đầu rèm

Đây là bộ phận quan trọng quyết định kiểu dáng, phong cách của rèm cửa lịch sự hay thân mật, truyền thống hay hiện đại và cả sự thuận tiện khi kéo mở. Khi lựa chọn kiểu đầu rèm, bạn cần chú ý tới sự tiện dụng khi kéo rèm từ dưới lên, kéo sang ngang hay buộc, móc sang hai bên. Đầu rèm chun và xếp ly là những kiểu phổ biến được may sẵn thành từng băng dài. Băng xếp ly mềm thích hợp với kiểu rèm xếp ly nhỏ, băng chun dùng cho các loại vải mềm có lớp lót, băng xếp ly cứng thường được dùng cho loại vải thô dày và đi kèm với các loại móc cài để tạo nếp 3 hoặc 4 ly.

Cách đo tính vải cho rèm

Vải dày nên có nhiều ly gấp. Trước hết, bạn cần xác định kích thước của ô cửa sổ để tính chiều dài của thanh ray hay suốt rèm. Chiều rộng của rèm thông thường bằng kích thước của mỗi ô cửa sổ cộng thêm khoảng 40 cm (phủ qua hai bên cửa sổ mỗi bên khoảng 20 cm).

Xác định chiều rộng khổ vải

Điều này phụ thuộc vào bề rộng của từng ly gấp (khoảng 10 cm) và tổng số ly trên rèm. Thông thường, khổ rộng của vải bằng 2 đến 3 lần chiều dài của suốt rèm tùy theo chất liệu vải (nếu là vải thô dày thường gấp 2 còn vải mỏng thì gấp 3 lần chiều dài suốt rèm). Rèm cửa dùng trong nhà bếp nên có chiều rộng ly gấp nhỏ và số lượng ly ít, do đó chiều rộng khổ vải thường chỉ bằng 1,5 lần chiều dài suốt rèm. Sau khi tính được con số cuối cùng, bạn nên cộng thêm 5-10 cm cho việc may đường viền hoặc phải nối vải.

Xác định chiều dài khổ vải

Loại rèm ngắn, chỉ dài hơn khung cửa khoảng 1 cm.Bạn bắt đầu đo từ thanh ray, suốt rèm (trường hợp treo rèm trực tiếp vào ray) hoặc từ mép dưới của móc rèm xuống cách mép dưới của khung cửa sổ 1 cm. Nếu bạn thích rèm buông sát sàn nhà thì tiếp tục kéo thước xuống cách mặt sàn 2-3 cm. Trường hợp may rèm lửng, bạn cần xác định khoảng cách từ mép dưới khung cửa đến sàn nhà và chiều cao thông thủy của căn phòng để tìm ra một tỷ lệ cân đối.